Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa chịu trả lại quyền làm chủ đất nước cho dân


Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành.
Trần Quang Thành (Danlambao) - 496 người đã trở thành những chú rô-bốt trong quốc hội Việt Nam khóa XIV. Cũng như 13 khóa trước, quốc hội khóa XIV vẫn chỉ là biến tướng của hội nghị cán bộ đảng toàn quốc mở rộng, nhắm mắt bấm nút thực thi các nhiệm vụ của đảng giao cho.

Giới cầm quyền cộng sản đã tước đoạt quyền làm chủ đất nước của nhân dân để tiếp tục duy trì chế độ độc tài toàn trị, đưa đất nước ngày càng lún sâu vào nghèo nàn lạc hậu.

Từ thành phố Huế, linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành về quốc hội XIV, một quốc hội phiên bản của hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc.

Nội dung như sau – Mời quí vị cùng nghe.

(Youtube PV linh mục PhanVăn Lợi)



*
Nhà báo Trần Quang Thành: Ngày hôm nay, 09-06, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV đã được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả đó không ngoài vòng dự kiến của mọi người mà cũng chẳng có gì là bất ngờ, khi tiến hành cuộc bầu cử này với nhiều thủ đoạn lắt léo của nhà cầm quyền cộng sản. Linh mục bình luận gì về kết quả này?

Linh mục Phan Văn Lợi: Kính thưa Quý vị. Tiến trình bầu cử cũng như kết quả cuộc bầu cử này, công luận đã nói rất nhiều. Hôm nay, chúng tôi xin đưa ra nhận định của mình trên hai điểm chính. Trước hết là động thái của nhà cầm quyền chung quanh cuộc bầu cử, và thứ hai là thái độ phản ứng của nhân dân. 

Về động thái của nhà cầm quyền, chúng tôi xin phân biệt: trước ngày bầu cử, trong ngày bầu cử và sau ngày bầu cử

I- Động thái của nhà cầm quyền

A- Trước ngày bầu cử

1. Đấu tố các ứng cử viên tự do:

Trước hết, xin nhắc lại những trò bẩn thỉu trong các hội nghị cử tri và hội nghị hiệp thương trước đó. Theo luật Bầu cử thì mọi công dân có đủ điều kiện theo quy định thì đều được ứng cử. Song tất cả những người tự ứng cử tự do có tinh thần dân chủ và thậm chí nhiều đảng viên ứng cử chưa có phép của đảng đều bị quấy nhiễu, đe dọa và loại trừ; an ninh đưa các tài liệu vu khống của dư luận viên cho tổ trưởng dân phố đi phát cho dân để dân không dám ủng hộ người tự ứng cử, cắt đặt nhiều tay chân đứng lên bịa chuyện nói xấu họ hay không cho họ phản bác. 

Nói chung, các hội nghị cử tri đã biến thành những cuộc đấu tố, như thời cải cách ruộng đất!

2. Kiểm duyệt thông tin

Trước ngày bầu cử 22/5/2016, nhà cầm quyền kiểm soát thông tin một cách gắt gao, đặc biệt là kiểm duyệt những người sử dụng dịch vụ viễn thông như dịch vụ gửi tin nhắn sms thông qua các nhà mạng như Viettel, Mobifone, Vinaphone. Bất kỳ tin nhắn nào có liên quan đến chữ “bầu cử”, “đại biểu”, “quốc hội”… đều bị chặn, và sẽ không gửi được tin nhắn sms

3. Định hướng bầu bán

Năm nay cũng vậy, nhà nước vẫn sử dụng "quy trình bầu cử" như cũ. Ngay chiều 20-5-2016, trước khi bầu cử 2 ngày, trên mạng đã có tài liệu của Đà Nẵng và Nghệ An với "Định hướng đắc cử" bằng hình thức chấm tên người trúng cử cho dân gạch theo; người ta gọi đó là “quán triệt bầu cử”.

Ngoài ra có những chuyện rất khôi hài. Ví dụ ở Bắc Ninh, cô Trịnh Thị Phương, một cô gái hành nghề cắt tóc gội đầu, tự nhiên không cần hiệp thương, chẳng cần tự ứng cử, cũng không cần giới thiệu... và hẳn nhiên là không cần những cuộc "đấu tố", bỗng dưng có danh sách ứng cử viên Hội đồng Nhân dân tỉnh. Khi được hỏi, cô gái thật thà: "Em chẳng biết làm gì đâu, có ai bảo gội đầu thì em gội thôi."

Người dân ngơ ngác và chính cô gái có danh sách ứng cử viên Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng ngơ ngác bảo nhau: "Chắc mấy ông trong HĐND tỉnh thỉnh thoảng ngứa đầu mà không muốn đi xa, nên đưa cô này vào Hội đồng Nhân dân tỉnh thôi".

4. Kiểm soát không cho dân tụ tập, canh giữ người bất đồng chính kiến

Cựu tù nhân Trần Hữu Đức, một người bất đồng chính kiến sinh sống tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, tham gia cuộc “rải truyền đơn – tẩy chay bầu cử 2011” sau đó bị chính quyền Việt Nam bỏ tù, lần này đã xác nhận về tình trạng kiểm soát người dân trước ngày bầu cử. Anh nói: “Chính quyền luôn luôn canh chừng người dân từ mọi khía cạnh… Ngay giữa chợ vùng chúng tôi, khi các bà tụm năm, tụm bảy để buôn bán cũng bị công an lại dẹp và cấm, họ nói rằng tỉnh sắp về đây để tổ chức bầu cử nên không được ngồi đông ở giữa đường. Và từ ngày 30-4-2016 đến nay, chính quyền cho người túc trực cả ngày cả đêm, ở khu vực địa phương tôi có sáu địa điểm như vậy, rồi đêm lại thì đi lại liên tục làm cho khu vực tôi sống luôn ồn ào, đến tận 12 giờ đêm vẫn còn có người đi.”

Bà Trần Thị Nga, một người bất đồng chính kiến khác cũng cho biết: “Mấy ngày gần kỳ bầu cử, lực lượng côn an mặc sắc phục và thường phục, họ đi khống chế những người bất đồng bất chính kiến. Như bản thân tôi khi đi ra đường thì bị công an bắt đưa về nhà, hay cả khi tôi đưa con đi chơi công viên, siêu thị, sở thú đều bị như vậy”.

B- Trong ngày bầu cử:

Trong ngày bầu cử, chúng ta lại thấy có rất nhiều điều lố bịch, khôi hài và đầy tính cưỡng bức. Nhà hoạt động xã hội Từ Anh Tú thì tố cáo: ở mỗi điểm bầu cử, đều có một kẻ hướng dẫn cử tri gạch ai, bầu ai. Tức là một trò ép buộc người dân phải bầu những kẻ mà đảng đã chọn.

Người dân, đặc biệt là các đối tượng sinh viên, viên chức… đều bị ép phải đi bầu, nếu không sẽ gặp những khó khăn này nọ. Cụ thể như tại Vĩnh Long, chánh trị sự Cao Đài Nguyễn Kim Lân bị ông tổ trưởng đến ép đi bầu. Sau đó ông không đi thì đã bị quản thúc trong nhà. Tại Gia Lai, mục sư Phạm Ngọc Thạch bị một toán trong đó có cả trung tá công an tới nhà áp giải đến phòng phiếu. Tại Nhà ông Lê Văn Sóc (phó Hội trưởng Trung ương Giáo hội PGHH Thuần túy) xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, một phái đoàn gồm Công an an ninh thị xã và tỉnh kết hợp với Công an xã đã đến quy chụp mũ ông tẩy chay bầu cử và bắt buộc ông đi bầu cử. Cũng tại xã Đông Thành, đại diện đoàn thể và chính quyền đến tư gia Bùi Văn Luốt (Hội trưởng GHPGHHTT tỉnh Vĩnh Long), Nguyễn Ngọc Tân (Tổng vụ Truyền thông GHPGHH TT) để vận động bầu cử và đe dọa nếu không đi bầu. Tối khoảng 18g cùng ngày, chính quyền và công an xã Đông Thành đến nhà ông Bùi Văn Luốc đòi lập biên bản vì không đi bầu cử.

Ngoài ra còn có hiện tượng rất kỳ quái: một người đi bầu nhiều lần. Trước đây chỉ có chuyện một người cầm nhiều phiếu của gia đình để đi bầu một lần. Nay thì một người đi bầu nhiều lần. Hoặc có sự gian lận trong việc tráo các phiếu bầu của tổ bầu cử.

C- Sau ngày bầu cử: 

1. Giọng điệu trơ trẽn của truyền thông

Như một đàn két đã được huấn luyện, sau mỗi lần bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, dàn báo chí công cụ Cộng sản lại chạy những dòng chữ rất trơ trẽn sống sượng. Chẳng hạn lần bầu cử này, báo Quân Đội Nhân Dân Online ngày 23-05-2016 viết: “Ngày hội trên Thành phố mang tên Bác: Hơn 5,2 triệu cử tri của Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu ngày 22-5 đã tập trung đến hơn 3.200 điểm bầu cử để thực hiện quyền công dân của mình. Các điểm bầu cử được trang hoàng đẹp mắt, nổi bật sắc đỏ cờ hoa, khẩu hiệu kêu gọi toàn dân tham gia bầu cử, nêu cao trách nhiệm cử tri để sáng suốt lựa chọn những đại biểu ưu tú, tiêu biểu nhất”. Đến ngày 28-05-2016, báo Dân Tộc Online cũng ngoác miệng mà rằng: “Ngày chủ nhật (22/5), trên khắp mọi miền đất nước, các tổ bầu cử đồng loạt tiến hành khai mạc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trong không khí trang trọng, nghiêm túc. Cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, trong không khí dân chủ, phấn khởi, đảm bảo an ninh trật tự. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết: Cho đến thời điểm này, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp đã kết thúc tốt đẹp, đạt 98,77% cử tri đi bỏ phiếu.” Đó là giọng điệu vô liêm sỉ có từ trong gene của báo chí cộng sản.

2. Sửa kết quả bầu cử

Một tác giả trên Trần Minh Huy viết trên Anh Ba Sàm: “Chiều tối ngày 24-5-2016, gần 2 ngày sau khi kết thúc cuộc bầu cử hôm 22/5, các báo điện tử nhà nước đồng loạt đưa tin kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021. Là những người trực tiếp làm công tác tại các tổ bầu cử tại đơn vị bầu cử số 9 và số 10 quận Sơn Trà, Đà Nẵng, dẫu biết cuộc bầu cử này chỉ mang tính hình thức, mị dân và hoàn toàn tuân theo ý đảng, nhưng chúng tôi cũng hết sức từ ngạc nhiên đến phẫn nộ vì sự trơ trẽn, giả dối và coi thường nhân dân của mấy vị lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng, đã ngang nhiên chỉ đạo sửa đổi kết quả bầu cử vừa qua một cách trắng trợn”. Để cho trúng cử những người thuộc phe nhóm mà họ đã chọn trước

Ngày 28-05 báo giấy Tiền Phong đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử với tỷ lệ chỉ 68,32%, đứng hàng thứ ba sau Bí thư thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đắc cử với tỷ lệ cao nhất 87,16%, và chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, với tỷ lệ 72,5%. Qua hôm sau, báo mạng Tiền Phong và các báo khác đồng loạt đưa tin ông ta đắc cử với tỉ lệ 86,32%. Có vẻ như TP đã đánh máy nhầm con số từ 86,32% thành con số 68,32%, và nghe nói báo ấy phải họp kiểm điểm và sẽ bị xử lý đích đáng vì cái sự “nhầm lẫn cực kỳ chết người” nầy. Nhưng nhân dân nhìn vào thì biết ngay chỉ là 1 trò vô liêm sỉ thêm nữa của Việt cộng, của các lãnh đạo vốn luôn tự cho mình được bầu đến 90, 100%.

II- Thái độ phản ứng của nhân dân 

Nb TQT: Thưa Lm PVL, nhà cầm quyền thì trắng trợn tinh vi và có khi thô bạo để cầm tay, chỉ việc, bắt dân phải bầu theo ý mình. Nhưng ngược lại người dân thì thờ ơ với cuộc bầu cử. Cũng có người dân đến với cuộc bầu cử này với một thái độ tẩy chay dưới nhiều hình thức khác nhau. Linh mục có thể kể lại chuyện đó được không?

Lm PVL: Kính thưa Quý vị, về thái độ phản ứng của nhân dân thì chúng ta thấy trong kỳ bầu cử này có nhiều hình thức rất độc đáo. Nhiều công dân tự trọng đã bày tỏ thái độ của mình. Cứ lên mạng xã hội, sẽ thấy họ tuyên bố tẩy chay bầu cử bằng những lời lẽ ghi ngay trên thẻ cử tri của họ. Xin nêu vài ví dụ: Ls Lê Thị Công Nhân viết: “Độc tài cộng sản thì bầu cử cái giề hở lũ khốn nạn trơ trẽn?”.Blogger Nguyễn Lân Thắng: “Cá chết Quốc hội ở đâu? Dân sắp chết đói đi bầu làm chi?”. Phóng viên Trương Văn Dũng: “Chưa bầu đã có tỷ số. Dối trá bịp bợm! CSVN quá trơ trẽn! Tẩy chay!” Bản thân chúng tôi có viết: “Tẩy chay trò gian trá, cưỡng bức, vô ích, tốn tiền”. Dân oan Cấn Thị Thêu: “Không bầu cho bọn cướp có tổ chứ”. Dân oan Trịnh Bá Khiêm: “Tẩy chay bầu cử vì độc tài công an trị”. Ms Phạm Ngọc Thạch: “Dân chủ là không đi bầu”. Anh Trần Minh Nhật:“Trái niềm tin, sai lý tưởng!”. Cô Lê Thị Minh Tâm, em Ls Lê Thị Công Nhân, viết: “Tẩy chay trò hề bầu cử. Nước nghèo dân đói, trả lại dân 3.600 tỷ ngay!”. 3.600 tỷ là số tiền nhà cầm quyền chi ra trong cuộc bầu cử này. Thật ra đó là số tiền ăn mừng trò lừa gạt nhân dân mà thôi. Chưa hết. Vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa (Hải Phòng) thì xé thẻ cử tri; dân oan Dương Nội rất nhiều người xuống đường tập thể, cầm biểu ngữ tẩy chay cuộc bầu; một nhóm đấu tranh trẻ tuổi còn biểu tình trên phố ở Hà Nội với khẩu hiệu cầm tay: “Bầu cử Quốc hội là một trò bịp bợm trắng trợn đối với người dân”; lão nhạc sĩ Tạ Trí Hải thì giương biểu ngữ: “Tôi mong muốn VN có ứng cử bầu cử chức vụ Tổng thống giống như Mỹ và các quốc gia dân chủ”. Đây mới chính là ý nguyện của toàn dân Việt Nam.

Tại khu vực bỏ phiếu xã Xuân Thọ, Xuân Lộc, Đồng Nai, linh mục Nguyễn Văn Tân lần đầu tiên 'được đi bầu' đã chia sẻ trên Facebook“Tôi chỉ mong được bầu Tổng thống. Tôi tìm xem có tên: Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ… nhưng không thấy. Tôi gạch bỏ hết tất cả mấy đ/c đảng viên rơm rác, vì đa số những người tham nhũng đều là đảng viên."

Kính thưa Quý vị, đó là lược qua thái độ phản ứng của người dân trong cuộc bầu cử này, để chúng ta thấy được thực chất của cái “đảng cử dân bầu” của đảng CSVN.

Nb TQT: Linh mục vừa đề cập tới vấn đề dân chúng đã phản ứng một cách gay gắt để tẩy chay cuộc bầu cử. Nhưng cuộc bầu cử của họ vẫn cứ thắng lợi, kết quả vẫn cứ rùm beng lên là đã bầu ra được 496 đại biểu. Nhưng họ cũng đã phải thú nhận rằng là các chỉ tiêu không đạt được. Thí dụ số người ngoài đảng là thấp, số đại biểu phụ nữ cũng thấp. Họ cũng phải thú nhận những hành động đối với những người ứng cử tự do trong các kỳ hiệp thương là sai trái, không đúng. Họ nói như vậy là để làm gì, thưa linh mục? Phải chăng là một thủ đoạn vuốt ve, lừa bịp? 

Lm PVL: Thưa Quý vị, đúng như vậy! Đó là một thủ đoạn mỵ dân, làm cho dân đỡ tức. Tất cả cuộc bầu cử này từ đầu đến cuối, họ đã trù tính, họ đã vạch từng chi tiết để cuối cùng đưa vào trong Quốc hội những con người của họ. Họ không cần biết xấu hổ, họ không cần biết công luận phản kháng. Nếu họ xấu hổ thì họ không còn là cộng sản nữa. Và rồi chúng ta thấy những kẻ được vào Quốc hội hôm nay, cũng như trong bao nhiêu khóa trước, cũng sẽ là những con người hoàn toàn tuân theo đảng. Họ sẽ làm thành một con dấu cao su để đóng lên các quyết định của đảng. Họ coi cương lĩnh của đảng quan trọng hơn Hiến pháp. Họ cũng sẽ dửng dưng trước các vấn đề của đất nước. Xin lấy một ví dụ cụ thể gần đây. Vụ cá chết, dân điêu đứng, thế mà những thành viên Quốc hội khóa XIII trong lúc vẫn còn trách nhiệm lại không có một ai lên tiếng. Ngay cả tân chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng hoàn toàn dửng dưng, bất biết trước đại họa của Quốc gia và thảm cảnh của Dân tộc. Như thế chúng ta đủ thấy rằng Quốc hội này được bầu ra hoàn toàn là vô ích, hoàn toàn là tốn tiền, hoàn toàn gây tai hại cho đất nước. Bởi vì họ chỉ củng cố ách thống trị bất nhân, bất tài của đảng cộng sản mà thôi. 

Nb TQT: Có người đánh giá rằng cuộc bầu cử lần này là một sự tập dượt để dân ta biết được mình ở vị trí nào, phải làm gì để có dân chủ, có tự do cho đất nước. Vậy theo linh mục, triển vọng sắp tới đây, phong trào đấu tranh cho dân chủ tự do tại VN sẽ đi về đâu?

Lm PVL: Kính thưa Quý vị, cuộc bầu cử này một lần nữa cho người ta thấy và thấy rõ ràng hơn thực chất của nhà nước VN, để mọi người đừng ảo tưởng là người cộng sản có thiện chí. Bên cạnh đó, chúng ta thấy trước thảm họa quốc gia - ô nhiễm môi trường biển - nhà cầm quyền vẫn có một thái độ tiêu cực, vô trách nhiệm, bưng bít thông tin, đàn áp những người dân lên tiếng đòi minh bạch, thậm chí đấu tố họ trên truyền hình. Đó là một sự kích thích người dân phải đứng lên! Mới đây, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm đã có phát động Chiến dịch trưng cầu dân ý vào năm 2020, kêu gọi tất cả mọi người dân VN tham gia chiến dịch này để đòi hỏi một cuộc trưng cầu dân ý ngõ hầu người dân tự chọn lựa chế độ chính trị. Dĩ nhiên sự thành công của chiến dịch này còn tùy thuộc vào hoạt động của các xã hội dân sự và của chính người dân. Cho tới năm 2020 mà người dân biết đứng lên đồng loạt, thấy rõ quyền lợi của mình để làm áp lực lên nhà cầm quyền thì lúc đó chúng ta mới có cuộc trưng cầu dân ý đích thật và mới có những cuộc bầu cử đúng nghĩa.

Nb TQT: Xin cảm ơn Linh mục Phan Văn Lợi.


Share on Google Plus

About 8406news

Khối 8406 là tên gọi của một tổ chức chính trị, kêu gọi dân chủ đa nguyên tại Việt Nam. Tên "Khối 8406" xuất phát từ tuyên ngôn công bố ngày 8 tháng 4 năm 2006.

0 comments :

Post a Comment