(VNTB) Có
những dấu hiệu khá rõ cho thấy một chủ trương - chiến dịch “chiêu dụ
người Việt hải ngoại” một lần nữa được đảng chỉ đạo thực hiện từ đầu năm
2017. Chỉ có điều khác với tư thế đủng đỉnh của Nghị quyết 36 “về công
tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài” ra đời 13 năm trước, lần này
mọi chuyện có vẻ vội vã và có ý nghĩa sinh tử hơn nhiều…
Đột biến
Đột biến là chuyện ông Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đột ngột thông báo sẽ “Mời
tất cả các nhà văn hải ngoại, kể cả những người đã cầm bút phục vụ chế
độ cũ, về dự ‘Hội nghị hòa hợp dân tộc’ dịp giỗ tổ Hùng Vương”.
Ngày giỗ tổ Vua Hùng lại rất cận kề: 10/3/2017.
Làm
thế nào để Hội Nhà văn Việt Nam của ông Hữu Thỉnh có thể hoàn thiện
khâu tổ chức (kinh phí, liên lạc, mời, đón tiếp, hội nghị…) chỉ trong
vòng 2 tháng kể từ ngày ra thông báo trên, trong khi những kế hoạch
“kiều vận” trước đây của cơ quan chuyên trách là Ủy ban về người Việt
Nam ở nước ngoài thông thường phải mất ít nhất 6 tháng để chuẩn bị và
phải thông qua nhiều cấp đảng, chính quyền và đặc biệt là hằng hà cơ
quan an ninh thuộc Bộ Công an?
Còn
nhớ vào ngày 16/12/2016, tại Hội nghị văn học 2016 do Hội Nhà văn Việt
Nam tổ chức ở Hà Nội, ông Hữu Thỉnh đã than vãn về việc kinh phí hàng
năm của Hội Nhà văn Việt Nam bị ngân sách trung ương cắt giảm đến 50%,
đồng thời bất ngờ nêu ra ý tưởng về tổ chức “hội nghị hòa hợp dân tộc về
văn học”. Chỉ khoảng 3 tuần sau, dường như đề xuất này đã được cấp trên
phê duyệt và “đưa nghị quyết vào đời sống” - một tốc độ phi mã đáng
kinh ngạc so với thói quen “ngủ ngày” của đảng trước hiện tình khốn quẫn
của dân tộc.
Một
câu hỏi đương nhiên được đặt ra: ý tưởng trên là tác phẩm riêng của ông
Hữu Thỉnh hay chính là một chủ trương và sách lược của “đảng ta”?
Ý tưởng của ai?
Nổi
tiếng là một nhà thơ “ngoan”, Hữu Thỉnh chưa bao giờ thể hiện tính cách
tự sáng tạo vượt quá khuôn khổ và khuôn phép của đảng. Hội Nhà văn Việt
Nam cũng bởi thế đã luôn bị xem là “cánh tay nối dài của đảng” trải qua
nhiều nhiệm kỳ cơ cấu chủ tịch nghiễm nhiên cho ông Hữu Thỉnh.
Nhưng
bây giờ, xem ra ông Hữu Thỉnh có cả chủ trương lẫn ngân sách nhà nước,
thậm chí còn có thể được ai đó tự nguyện tài trợ để tổ chức “hội nghị
hòa hợp dân tộc về văn học”.
Một video đã tường thuật nguyên văn phát biểu của ông Hữu Thỉnh về “hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học”: “Đây
là một sự kiện chưa từng có, Tổng Bí thư có hỏi tôi rằng: Có phải đây
là lần đầu tiên tổ chức hội nghị này không? Tôi trả lời: Đây là lần đầu
tiên chúng ta sẽ tổ chức vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) 2017…”.
Hữu
Thỉnh đã có “ô”. Cái ô chủ trương đó chính là Nguyễn Phú Trọng, cho dù
chưa biết ông Trọng có phải là nhân vật chủ xướng về chủ trương này hay
thuộc về một nhân vật khác hay một nhóm lãnh đạo khác.
Nhưng
“sự kiện chưa từng có” là hoàn toàn đúng, vì hoạt động tổ chức hội nghị
vừ kể là chưa từng có tiền lệ trong suốt chiều dài lịch sử của đảng.
Những thâm ý chính trị
Từ
thời “Mở cửa” đến nay, đảng và công an đã chỉ chấp nhận rất hạn chế một
ít văn sĩ và nghệ sĩ hải ngoại về nước, sau khi đã làm “đúng quy trình”
về tất cả những gì có thể bảo đảm là những nghệ sĩ hải ngoại ấy sẽ
không gây hại cho “an ninh quốc gia”. Phạm Duy, Khánh Ly, Hương Lan… là
một ít ví dụ.
Nhưng không hề có chuyện “mời tất cả nhà văn hải ngoại”…
Vì
nếu là “mời tất cả”, đảng sẽ phải mời cả các nhà văn thuộc dòng “chống
cộng” của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 và những nhà văn hải ngoại
đối kháng với chế độ Cộng sản sau năm 1975. Đây quả là một hành động
chưa có tiền lệ và sẽ mang lại rủi ro không ít cho Hà Nội, nếu có những
nhà văn “chống cộng” về nước và cất lên tiếng nói công khai ngay giữa
lòng chế độ cầm quyền.
Dường như có một cái gì đó thật sự thúc bách đảng phải làm như vậy.
Kế
hoạch tổ chức “hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” của Hội Nhà văn
Việt Nam cũng bởi thế mang ý nghĩa một chỉ dấu đặc biệt, thậm chí rất
đặc biệt, không chỉ về công tác vận động “kiều bào ta” ở nước ngoài mà
còn ẩn lồng những thâm ý chính trị.
Mọi việc hình như được khởi đầu từ mảng văn học và nhà văn, thông qua Hội Nhà văn Việt Nam và “chính khách - nhà thơ” Hữu Thỉnh.
Chưa
kể một động tác thăm dò nho nhỏ khi chính quyền cho phép “Họp mặt cán
binh và thân nhân Hoàng Sa, Gạc Ma” ngay tại Hội trường Thống Nhất (tên
gọi cũ là Dinh Độc Lập) lại Sài Gòn vào đầu năm 2017, dù chẳng có quan
chức nào đến dự.
Nếu
kế hoạch này thành công dù chỉ ở một mức độ khiêm tốn, đảng sẽ được
tiếng “mở rộng vòng tay khoan hồng” trong mắt cộng đồng người Việt hải
ngoại. Tiếng vang dù nhỏ nhoi ấy sẽ có thể khiến một số “kiều bào ta”
tiếp thêm “đạn” cho nền kinh tế và qua đó là chế độ trong nước bằng con
đường kiều hối về Việt Nam.
Nếu
vào đầu năm 2016, các cơ quan bộ ngành của Việt Nam vẫn còn hào hứng
đặt ra kế hoạch thu hút kiều hối đến 12 tỷ USD cho năm tài khóa, thì đến
cuối năm 2016, báo chí cho biết lượng kiều hối thực gửi về Việt Nam chỉ
có 9 tỷ USD, tức đã giảm đến 25% so với năm 2015 - một sự sụt giảm mạnh
nhất trong vòng 23 năm qua.
Với 3 tỷ USD bị sụt giảm từ lượng kiều hối, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ bị giảm khoảng 1,5% trong năm 2016.
Nguồn
cung kiều hối từ thị trường Mỹ lại chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ
hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia trên
thế giới, khi kiều hối từ thị trường này giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến
tổng lượng kiều hối gửi về Việt Nam.
Vậy làm sao để khắc phục khó khăn và thu hút kiều hối mạnh trở lại để “làm giàu cho đất nước”?
Và
làm thế nào để đạt được một thâm ý sống còn hơn hết thảy: cộng đồng
người Việt ở các quốc gia, đặc biệt ở Mỹ, sẽ “để yên” cho nhiều quan
chức và thân nhân quan chức Việt Nam ung dung rửa tiền, mua sắm nhà cửa,
kinh doanh và hưởng thụ cuộc sống ở xứ sở tượng trưng cho lối thoát,
nếu tình hình trong nước “có biến”?
‘Trước hết phải hòa giải với giới bất đồng trong nước’
Giới
nhà văn hải ngoại, trong đó chủ yếu giới nhà văn “chống cộng”, lại tập
trung ở “thị trường Hoa Kỳ”. Nếu các nhà văn này được “kiều vận” thành
công, thị trường kiều hối Mỹ về Việt Nam sẽ có thể phục hồi phần nào.
Còn
nếu kinh tế khốn quẫn hơn nữa mà có thể gây hại trực tiếp đến chân đứng
của chế độ, không loại trừ khả năng đảng sẽ chỉ đạo “mở toang”.
Tuy
thế, không phải cứ muốn là có được, nhất là sau 13 năm triển khai Nghị
quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nhưng
nhiều trí thức hải ngoại đã nhận ra rằng không hề có đất dụng võ ở Việt
Nam, còn những nhà văn nào chỉ mới ho he khác biệt chính kiến với đảng
là bị công an sách nhiễu và cấm nhập cảnh.
Một
người ở Paris cho biết chỉ một tuần trước thông báo tổ chức “Hội nghị
hòa hợp dân tộc về văn học” của Hội Nhà văn Việt Nam, một nhà văn Việt
quốc tịch Pháp chẳng mấy liên quan đến chính trị đã bị Bộ Ngoại giao
Việt Nam từ chối cấp visa nhập cảnh vào Việt Nam.
“Tôi
tin là chẳng có văn sĩ hải ngoại nào chịu về Việt Nam cho dù có được
Hội Nhà văn Việt Nam mời. Họ có tin đâu mà về? Họ lại còn sợ bị bắt bỏ
tù nữa chứ… Có về thì chỉ mấy tay nhà văn thân chính quyền mới về thôi” - một nhà văn hải ngoại cười khẩy.
Còn với một nhân vật hoạt động nhân quyền cho Việt Nam ở hải ngoại: “Hãy
nhìn những gì cộng sản làm. Nếu đảng Cộng sản Việt Nam muốn hòa hợp hòa
giải dân tộc thì đầu tiên họ phải hòa giải với giới bất đồng chính kiến
ở quốc nội. Thấy mới tin. Có hòa giải và đối thoại được như vậy thì hải
ngoại mới có thể tin và mới tính đến chuyện về Việt Nam”.
Cần
nhắc lại, một trong những tổ chức bất đồng chính kiến trong nước chính
là Ban vận động Văn đoàn độc lập Việt Nam - tổ chức đã từng bị Hội Nhà
văn Việt Nam của “đồng chí Hữu Thỉnh” quyết liệt tham mưu cho đảng và
công an để coi là “chống đối” và tìm mọi cách để trấn áp.
*
Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog
được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
0 comments :
Post a Comment