Bộ Công an có chặn nổi việc lộ thông tin bí mật?
(VNTB) Thêm một lần nữa, nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước và chống lộ thông tin bí mật vừa được bộ công an đặt ra. Vào lần này, có hẳn một bản dự thảo về luật bảo vệ bí mật nhà nước, tức đã nâng cấp văn bản pháp quy so với một pháp lệnh trước đó.
Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi về năng lực ngăn chặn việc lộ thông tin bí mật của bộ Công an và công an các cấp tỉnh thành, cũng như năng lực của các cơ quan đặc biệt như nội chính, bảo vệ chính trị nội bộ, tuyên giáo, tổ chức…
Để thuyết minh cho dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, bộ công an thường dẫn chứng trường hợp Dương Tự Trọng, là người của ngành công an đã giúp cho anh trai mình là Dương Chí Dũng đào tẩu. Tuy nhiên, đây là vụ mà đã được báo chí thông tin từ năm 2012, và cả xã hội đều biết. Đây cũng là một trong hiếm hoi vụ việc lộ lọt bí mật mà ngành công an dường như buộc phải công bố, trước sức ép rất lớn của dư luận xã hội. Trong khi đó, còn rất nhiều vụ việc lộ thông tin, dù đã tràn lan trên mạng xã hội và tạo hiệu ứng tác động ghê gớm, vẫn không được bất kỳ một cấp công an hay tuyên giáo nào “thanh minh”.
Trường hợp lộ thông tin bí mật gần nhất, và tạo tác động mạnh nhất ở Việt Nam, là bức thư được cho là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi cho tổng bí thư Trọng và bộ chính trị vài tháng trước đại hội 12. Bức thư này dài đến 9 trang A4, bao gồm giải trình 12 điểm về những vấn đề rất nhạy cảm chính trị. Về sau này, nhiều thông tin cho biết độ tin cậy của bức thư này là cao, chứ đó không phải là thư giả. Tuy nhiên cho đến nay vẫn không có bất kỳ một thông báo nào của bộ công an hay của ban tuyên giáo trung ương về tính xác thực của bức thư này.
Cũng trước đại hội 12, hàng loạt thư và bài viết tố cáo nội bộ được tung lên mạng xã hội. Rất nhiều thông tin được cho là thâm cung bí sử về các nhân vật trong bộ chính trị hiện lên ngồn ngộn. Thậm chí, còn có cả những tài liệu mà chỉ có các cơ quan an ninh, tình báo và bảo vệ chính trị nội bộ sở hữu, là tài liệu mà các cơ quan này thường gọi là “Phủ đặc ủy trung ương tình báo ngụy” cũng công khai xuất hiện…
Tình hình trên khiến người ta nhớ lại trang mạng Chân Dung Quyền Lực gây sóng gió vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Trang mạng này đã lộ ra tên tuổi của nhiều ủy viên bộ chính trị cùng quá nhiều chi tiết về tài sản và “quan hệ”…
Gần đây, bộ công an cho biết có đến 800 tài liệu bí mật bị lộ trong 5 năm qua. Điều này cho thấy có rất nhiều vụ cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước, nhưng đã không được bộ công an công khai.
Ngay trước đại hội 12, bộ công an và bộ thông tin và truyền thông đã từng đăng đàn, tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng lộ thông tin, kèm đe dọa biện pháp xử lý pháp luật rất nghiêm khắc. Tuy nhiên sau đó, công luận đã chẳng chứng kiến được một công bố nào về đối tượng nào làm lộ thông tin bí mật nhà nước được các bộ này nêu ra.
Đó là lý do mà khi một lần nữa bộ công an đặt lại nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước và nâng cấp nhiệm vụ này thành luật, dư luận vẫn hoàn toàn nghi ngờ vào năng lực của cơ quan này trong thực thi pháp luật, nhất là tình trạng các nhóm lợi ích và nhóm quyền lực cát cứ đang nở rộ như nấm sau mưa, tranh giành quyết liệt ở Việt Nam.
Lê Dung / SBTN
0 comments :
Post a Comment